Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng khá nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là, đợt bùng phát dịch vào cuối tháng 4 đến nay đã tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng có đóng góp lớn đối với phát triển kinh tế; một số khu công nghiệp, nơi tập trung một lượng lớn lao động, có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… bị tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng lớn tới các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu; trong khi đó, giá một số mặt hàng nguyên vật liệu tăng cao, cước phí vận chuyển quốc tế tăng mạnh đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra kịp thời, đúng hướng, hiệu quả; linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết đoán để ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đồng thời, tiếp tục nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt hơn nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Chủ trương “khoanh vùng hẹp” để bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế được thực hiện đồng bộ ở các địa phương đã giúp hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh. Phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ kế hoạch của năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước và hiện thực hoá khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, đặc biệt là bám sát diễn biến dịch bệnh để linh hoạt trong điều hành, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”; tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,45%), thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019 nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,42% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,84%), thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021, đóng góp 2,9 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,61%, làm giảm 0,25 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên giảm 12,5%.